Thực trạng lạm dụng rượu, bia: Nguy hại nhãn tiền

Trong những dịp lễ tết, lễ hội truyền thống, các bữa tiệc,...một điều hiển nhiên không thể phủ nhận là phải có rượu, bia. Nhưng nói đến rượu, bia thì ai cũng biết các đồ uống này rất có hại cho sức khỏe, nếu quá lạm dụng.
 

Ai cũng hiểu rượu, bia đã và đang mang đến nhiều điều hệ quả xấu cho sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Trong thực tế, việc lạm dụng rượu, bia vẫn đang phổ biến ở mức báo động.

Hại nhiều hơn lợi

Bia, rượu vang, rượu mạnh - là những đồ uống có chứa cồn ethanol ở những nồng độ khác nhau: bia có khoảng 5% cồn, rượu vang khoảng 9-16% cồn và rượu mạnh có thể lên 40-45% cồn. Tác dụng của bia, rượu có hại cho sức khỏe nhiều hơn là có lợi.

Cồn trong rượu, bia có tác dụng sinh năng lượng, nhưng đó là “năng lượng rỗng”, không có giá trị dinh dưỡng. Rượu được dùng làm dung môi và dẫn chất cho một số bài thuốc đông y (ngâm rượu thuốc), hoặc dùng một liều nhỏ trước bữa ăn có tác dụng kích thích khai vị.

Uống bia từ 1-2 ly/ ngày được cho là giúp thư giãn, giúp bạn có trạng thái hưng phấn. Bia cũng có một số  vitamin và khoáng chất như vitaminB2, B6, selen, magiê, nhưng với hàm lượng thấp so với các thức ăn khác.

Về mặt xã hội, rượu, bia gây nhiều tai nạn giao thông, mất trật tự xã hội, ảnh hưởng không tốt tới hạnh phúc gia đình, giảm năng suất lao động.

Thực trạng lạm dụng rượu, bia

Những mối nguy tiềm ẩn

Rượu bia vào cơ thể qua đường tiêu hóa từ miệng đến dạ dày, hệ thống tuần hoàn và các bộ phận trong cơ thể: não, thận, phổi và gan.

Khi rượu tới miệng, nồng độ cồn cao là chất kích ứng niêm mạc trong khoang miệng,  làm tăng nguy cơ ung thư miệng và họng.

Dạ dày: Các phân tử rượu nhỏ bé ngấm qua niêm mạc dạ dày, khi dạ dày  trống rỗng (uống khi đói), rượu đi thẳng vào máu. Khi dạ dày có thức ăn, đặc biệt là thức ăn có protein, thì tỷ lệ hấp thụ rượu bị chậm lại nhưng không dừng lại. Thường xuyên uống rượu khi đói có thể gây viêm loét, chảy máu dạ dày. Có 20% lượng rượu được hấp thu vào máu qua dạ dày và 80% rượu còn lại được hấp thụ vào máu từ ruột non.

Hệ tuần hoàn: Khi vào máu, rượu được vận chuyển đi khắp cơ thể, làm giãn mạch máu, đưa một lưu lượng máu lớn hơn lên bề mặt da (đỏ mặt, chân tay), cảm giác nóng, hạ huyết áp.

Não: Khi đến não, rượu tác động đến hệ thần kinh, khả năng kiểm soát hành vi và chức năng của cơ thể, sự tác động đó phụ thuộc vào mức độ tăng của nồng độ cồn trong máu mà đưa đến các trạng thái khác nhau: hung phấn, kích động, mất kiểm soát hành vi.  Rượu còn là một chất ức chế làm chậm hoạt động của não; làm suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và tư duy.

Thận: Rượu bia như một loại thuốc lợi tiểu: làm tăng sự hình thành nước tiểu, đi tiểu thường xuyên hơn gây mất nước và khát.

Gan: Khoảng 5% -10% rượu được bài tiết qua phổi, thận và da; còn lại  90%-95% được chuyển đến  gan để “xử lý”. Ở gan, rượu  được oxy hóa thành nước và carbon dioxide, nhưng gan chỉ  có thể oxy hóa khoảng 2 đơn vị rượu mỗi ngày.

Thực trạng lạm dụng rượu, bia

Cần sử dụng rượu, bia đúng cách

Nếp sống, văn hóa của người Việt về sử dụng rượu bia trong các dịp lễ tết, giỗ chạp, sinh nhật,… đặc biệt sau “thương vụ” làm ăn thắng lợi. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, bạn bè, đối tác, bạn nên cân nhắc, hạn chế và sử dụng rượu, bia đúng cách.

- Liều lượng: Bia, rượu vang, rượu mạnh là đồ uống có cồn ở các nồng độ khác nhau. Một đơn vị rượu là 10g cồn tương đương 3/4 lon bia 330ml; 135ml rượu vang; 30ml rượu whisky. Khi uống cần hạn chế: đối với nam: ≤ 02 đơn vị cồn/ngày; nữ: ≤ 01 đơn vị cồn/ngày.

- Uống chậm rãi, nếu rượu mạnh có thể làm loãng nồng độ nhằm giảm kích ứng niêm mạc miêng và dạ dày đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc.

- Không nên uống rượu lúc đói: Làm tăng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày. Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước quả, nước súp, nước canh và đặc biệt là ăn rau xanh, có tác dụng giảm nồng độ cồn của rượu. Nên ăn thức ăn giàu protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.

- Không nên uống rượu với đồ uống có gas, rượu lẫn bia sẽ làm quá trình rượu hấp thu cồn vào máu nhanh hơn.

- Người đang sử dụng aspirin thì nên tránh uống rượu, không nên sử dụng rượu với aspirin. Khi uống rượu có thể gây đau đầu, nên một số người đã sử dụng aspirin trước khi uống rượu để tăng “tửu lượng”. Đây là điều hết sức nguy hiểm, vì aspirin có thể gây chảy máu dạ dày khi đói, tăng hấp thu rượu vào trong máu, dẫn đến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh. Khoảng cách thời gian uống rượu, bia và dùng aspirin là 1 ngày. Nếu phải dùng aspirin và uống rượu trong 1 ngày thì nên uống aspirin vào buổi sáng và uống rượu vào tối hoặc ngược lại.

- Không nên uống rượu với caffeine, vì rượu là một chất ức chế, caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim. Nếu sử dụng caffeine để “tỉnh táo” sau khi uống rượu là một sai lầm.

Uống rượu, bia liều lượng nhiều lần và uống thường xuyên sẽ gây ngộ độc cấp và ngộ độc mạn tính: xơ gan, suy nhược thần kinh, run tay, trí nhớ giảm, tăng viêm loét dạ dày - ruột, tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, dễ gây đột quỵ do tổn thương mạch vành và các mạch máu não. Ở phụ nữ có thai dễ gây sảy thai, thai kém phát triển, thai chết lưu. Người nghiện rượu còn hay bị các bệnh nhiễm khuẩn do sức đề kháng yếu.

ThS.BS NGUYỄN VĂN TIẾN (suckhoedoisong.vn)


Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan