Chẩn đoán và điều trị viêm gan B theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế

Viêm gan virut là bệnh truyền nhiễm quan trọng, phổ biến toàn cầu, do virut HBV gây ra, nếu không được điều trị và kiểm soát tốt có thể gây ra tổn thương gan, hủy hoại tế bào gan..., là căn nguyên hàng đầu gây ung thư gan.
 

Theo Báo cáo Toàn cầu về Viêm gan virut 2017 của Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính năm 2015, thế giới có khoảng 257 triệu người nhiễm HBV mạn và 884.400 người đã tử vong, phần lớn do các biến chứng xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan. Viêm gan virut B vẫn là gánh nặng toàn cầu dù tỷ lệ nhiễm đang giảm đi nhờ các chương trình vắc-xin và điều trị thuốc kháng virut.

Nhiều người không biết mình mắc bệnh

Tại nước ta, khoảng 7,8 triệu người nhiễm virut viêm gan B (tỷ lệ cao nhất nhì khu vực) nhưng chỉ 1,3 triệu người biết tình trạng nhiễm virut viêm gan B của bản thân; còn lại là chưa biết do chưa từng đi khám và xét nghiệm. Diễn biến của bệnh viêm gan B thường thầm lặng, ít có biểu hiện triệu chứng, người bệnh thường thấy bản thân khỏe mạnh, vẫn sinh hoạt và lao động bình thường nên chủ quan không khi khám bệnh và điều trị. Vì vậy, số người Việt Nam bị viêm gan B được chẩn đoán và điều trị chỉ có khoảng 44.000 vào năm 2015.

Đường lây của virut viêm gan B

Virut viêm gan B có mặt ở trong tất cả các dịch cơ thể nhưng nó chỉ lây lan qua tiếp xúc máu trực tiếp, quan hệ tình dục không được bảo vệ và mẹ truyền sang con khi mang thai hoặc khi sinh. Cụ thể, có thể bị virut viêm gan B do: mẹ truyền viêm gan B cho con khi sinh nở hoặc trong quá trình mang thai; không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị viêm gan B; dùng chung dụng cụ khi tiêm chích ma túy, dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, nhíp, dụng cụ cắt móng tay, móng chân (bấm móng tay...) với người bị viêm gan B; xăm mày, xăm môi, xăm cơ thể, xỏ lỗ tai...; quan hệ bằng miệng khi có vết thương, vết loét, viêm, nhiệt miệng; có tiền sử truyền máu và các chế phẩm của máu; tiếp xúc với máu của người nhiễm virut viêm gan B qua vết thương hở; sử dụng dịch vụ y tế không được đảm bảo: làm răng, nạo hút thai, cắt bao quy đầu, nội soi đường tiêu hóa... Viêm gan virut B không lây qua ăn uống, không lây khi dùng chung bát đũa, không lây qua ôm hôn, không lây qua hắt hơi, muỗi đốt.

Chẩn đoán và điều trị viêm gan B theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế

Virut viêm gan B.

Điều trị viêm gan B cần đúng cách

Nếu người lớn mắc viêm gan B cấp thì khả năng tự hồi phục và đào thải virut là 95%. Vì vậy, người mắc viêm gan B cấp phần lớn không cần dùng thuốc kháng virut (trừ một số trường hợp đặc biệt có suy gan nặng). Người mắc viêm gan B cấp có men gan cao cần nghỉ ngơi, dùng các thuốc hỗ trợ gan theo chỉ định của bác sĩ hoặc nhập viện nếu cần.

Trường hợp mắc viêm gan B mạn, việc điều trị sẽ giúp người bệnh giảm nguy cơ tiến triển đến xơ gan và ung thư gan trong tương lai, tăng tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Biện pháp chính để điều trị viêm gan B mạn là uống thuốc kháng virut. Đây là loại thuốc có tác dụng làm giảm sự nhân lên của virut viêm gan B, vì vậy sẽ bảo vệ tế bào gan khỏi bị hư hại nhiều hơn. Việc uống thuốc kháng virut sẽ kéo dài rất lâu, rất nhiều năm, thậm chí cả đời với những người đã bị xơ gan. Người bệnh không nên tự ý ngừng uống thuốc kháng virut khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Việc tự ý ngừng thuốc kháng virut có thể gây viêm gan B bùng phát, suy gan và có thể tử vong. Uống thuốc kháng virut viêm gan B không đều, thường xuyên quên thuốc sẽ giúp cho virut quen với thuốc và dẫn đến kháng thuốc (nhờn thuốc). Gan của người bệnh vì vậy vẫn bị tổn thương và vẫn có nguy cơ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.

Một biện pháp nữa để điều trị viêm gan B mạn là tiêm các thuốc để tăng cường hệ miễn dịch và làm cho virut không hoạt động như: Peg-Interferon, Interferon, thymosin alpha... Tuy nhiên, các thuốc này khá nhiều tác dụng phụ và hiện tại không sẵn có tại Việt Nam.

Cập nhật hướng điều trị mới từ Bộ Y tế

Hiện tại, Bộ Y tế đang dự thảo hướng dẫn điều trị viêm gan virut B năm 2019 cho các nhân viên y tế. Hướng dẫn này sẽ có vài điểm mới thay đổi và cập nhật hơn so với hướng dẫn năm 2014 về chỉ định điều trị, các thuốc điều trị và thời gian điều trị. Do tỷ lệ kháng của một số thuốc kháng virut như lamivudine, adefovirs cao nên hướng dẫn mới năm 2019 sẽ loại bỏ 2 thuốc này trong chỉ định điều trị đầu tay viêm gan virut B mạn. Thay vào đó, hướng dẫn mới sẽ có thêm một loại thuốc kháng virut mới là tenofovir alafenamide 25mg ít độc tính với thận và xương trong danh mục thuốc điều trị viêm gan B mạn. Hướng dẫn mới cũng có những đề cập chi tiết cụ thể hơn về vấn đề dự phòng lây truyền virut viêm gan B từ mẹ sang con, giúp cho các nhân viên y tế dễ dàng áp dụng trong quá trình khám và điều trị người bệnh.

Lời khuyên của bác sĩ

Do vấn nạn lạm dụng rượu bia, ăn các thực phẩm độc hại, tỷ lệ mắc bệnh lý gan mật ở Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt là viêm gan B, mọi người dân cần đi kiểm tra tình trạng nhiễm virut viêm gan B bằng xét nghiệm HBsAg, đặc biệt là nữ giới trong lứa tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai.

Bệnh nhân mắc viêm gan B mạn, không bị tăng men gan và không bị xơ gan cần tập thể dục và thể thao hàng ngày, hạn chế tối đa rượu bia và đồ uống có cồn vì rượu bia có thể làm tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan. Ngoài ra, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, dinh dưỡng hợp lý, giảm mọi căng thẳng (stress), mọi áp lực liên quan đến công việc, cuộc sống, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi nhiều theo nhu cầu của cơ thể.

Bệnh nhân đang bị tăng men gan cần nghỉ ngơi tuyệt đối, tạm nghỉ tập thể thao và tránh xa các căng thẳng, áp lực trong thời gian tăng men gan, uống thuốc và tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ.

BSCKII. Nguyễn Nguyên Huyền (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)


Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan