Suýt mất mạng vì chủ quan với huyết áp cao

Giờ đây, bệnh nhân N.V.Q ước rằng mình đã điều trị tăng huyết áp triệt để sớm hơn, để không phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này…

Huyết áp cao nhưng không uống thuốc – Nguy hiểm

Bệnh viện Việt Đức vừa tiếp nhận  ông N.V.Q., 55 tuổi, sống ở Hải Phòng nhập viện trong tình trạng đau ngực. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng. Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh lý tim mạch nặng, đa bệnh lý gồm sỏi thận, cột sống, gout, huyết áp cao.

Khai thác bệnh sử cho biết, 10 năm nay, huyết áp của ông Q. cao liên tục nhưng ông không uống thuốc thường xuyên dẫn đến việc điều trị không có hiệu quả. Bên cạnh đó, ông Q. còn có nhiều bệnh lý nền đi kèm như rối loạn chuyển hóa liên quan đến ăn uống và sinh hoạt.

Hiện, ông Q. đang tích cực được điều trị tại Khoa Nội, Can thiệp Tim mạch – Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức. Bệnh nhân được theo dõi và kiểm tra toàn bộ hệ cơ quan trong cơ thể, trong đó có mạch vành là mạch máu nuôi tim. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện ông Q. có tổn thương hẹp 60-70% 2/3 nhánh động mạch vành.

Theo các bác sĩ, tổn thương động mạch cả ở bụng và ngực của bệnh nhân đều là những tổn thương rất nguy hiểm. Với trường hợp của ông Q., tổn thương được phát hiện là do hậu quả nặng nề của bệnh tăng huyết áp không được điều trị.

Thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch tại Bệnh viện Việt Đức

Giờ đây, ông ước rằng mình đã điều trị tăng huyết áp triệt để sớm hơn, để không phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này.

Cũng như bệnh nhân Q., bệnh nhân N.V.X., 68 tuổi, sống ở Vĩnh Phúc đi khám chuyên khoa tiêu hóa vì cảm thấy đau bụng quanh rốn. Người bệnh đã được các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, thực hiện các chỉ định cận lâm sàng và phát hiện bị phình hình thoi động mạch chủ bụng dưới thận.

Điều đáng nói, ông X. không tin mình bị tăng huyết áp và cho rằng ở nhà có đo huyết áp nhưng không phát hiện được cơn tăng huyết áp.

Ngay khi nhập viện, chỉ số huyết áp đo được trung bình sau 3 lần của người bệnh là 150/90mmHg. Ông X. đã được đo huyết áp thường xuyên và ghi holter huyết áp để loại trừ người bệnh tăng huyết áp do tâm lý khi tiếp xúc với nhân viên y tế (tăng huyết áp áo choàng trắng). Kết quả, ông bị tăng huyết áp độ II.

Như vậy, chính thói quen đo huyết áp chưa đúng cách đã khiến người bệnh chủ quan và không phát hiện ra mình bị tăng huyết áp.

 

Bên cạnh bệnh phình động mạch chủ bụng, khi siêu âm tim các bác sĩ phát hiện ông X. bị giãn động mạch chủ ngực – một hậu quả nữa do bệnh tăng huyết áp gây ra.

Tuy chưa đến mức phải can thiệp cấp cứu nhưng nếu ông X. không kiểm soát huyết áp thì động mạch chủ ngực cũng có thể giãn to hơn làm hở van động mạch chủ ngực hoặc phình động mạch chủ ngực.

Đừng để nhập viện do chủ quan với tăng huyết áp, không điều trị triệt để bệnh

ThS Khổng Tiến Bình – Trưởng khoa Nội, Can thiệp Tim mạch – Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức – cho hay: Lóc tách động mạch chủ ngực là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, đặc biệt với lóc tách động mạch chủ type A, tỷ lệ tử vong tăng dần 1% sau mỗi giờ trong 48 giờ đầu, số còn lại sẽ phải bước vào cuộc phẫu thuật cấp cứu cưa xương ức mở ngực và thay đoạn động mạch chủ.

Trường hợp bệnh nhân X., bệnh nhân Q. chỉ là một trong số rất nhiều người bệnh tăng huyết áp phải nhập viện do chủ quan, không điều trị triệt để bệnh.

ThS. Khổng Tiến Bình cho biết: Bệnh nhân được chẩn đoán phình động mạch khi có sự phình khu trú động mạch với đường kính ngang lớn hơn 1,5 lần kích thước động mạch bình thường. Phình động mạch chủ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như: Phình tách hoặc vỡ động mạch. Đa số các trường hợp phình đồng mạch chủ là do tăng huyết áp. Vì thế, với người phình động mạch chủ, kiểm soát huyết áp là điều cực kỳ quan trọng để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Tăng huyết áp là căn bệnh rất nguy hiểm nhưng lại thường ít triệu chứng thể hiện, khiến cho nhiều người không phát hiện ra bệnh kịp thời mà chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám một bệnh lý khác. Nhưng những biến chứng của tăng huyết áp lại rất nguy hiểm, khó lường, thậm chí gây tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp đúng cách để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp

Bệnh tăng huyết áp là một bệnh mạn tính. Để ngăn ngừa lâu dài các biến chứng, người bệnh phải kiểm soát tốt huyết áp, bằng cách áp dụng lối sống khoa học và tuân thủ thuốc điều trị của bác sỹ.

Theo đó, người bệnh phải có chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9, tích cực giảm cân (nếu quá cân), hạn chế uống rượu, bia, ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào, tăng cường tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày; tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, bị lạnh đột ngột.

Đặc biệt theo lời khuyên của bác sĩ, người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp đúng cách để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp; uống đúng thuốc, đủ liều, đều đặn theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không tự ý dừng thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều; đo huyết áp ít nhất mỗi ngày hai lần và ghi vào sổ theo dõi huyết áp giúp cán bộ y tế theo dõi, đánh giá kết quả điều trị; khám lại theo lịch hẹn của cán bộ y tế hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường (đau đầu, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ,…) trong quá trình điều trị.

Tăng huyết áp dẫn đến các biến chứng ở não, tim và thận thông qua hai cơ chế chính, cả hai cơ chế này đều liên quan đến việc tăng áp lực ở trong các động mạch. Cơ chế thứ nhất là do ảnh hưởng lên cấu trúc và chức năng của tim và các động mạch. Cơ chế thứ hai là do thúc đẩy sự tiến triển của quá trình vữa xơ động mạch. Cơ chế đầu tiên là hậu quả trực tiếp của huyết áp, trong khi cơ chế thứ hai đòi hỏi phải có sự tương tác với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác, quan trọng nhất là tăng cholessterol máu.

ThS Khổng Tiến Bình, cho biết thêm: Do có sự tương tác giữa các yếu tố nguy cơ với nhau, do vậy mối liên quan giữa cao huyết áp với biến cố động mạch vành càng chặt chẽ hơn ở những bệnh nhân có cholesterol máu cao hơn là các bệnh nhân có cholesterol máu bình thường.

Mặc dù đã xác định rõ ràng rằng huyết áp là một trong 3 yếu tố nguy cơ chủ yếu gây bệnh động mạch vành (2 yếu tố nguy cơ kia là cholesterol máu cao và hút thuốc lá), nhưng thường người ta thấy biến chứng bệnh động mạch vẫn xuất hiện ở các bệnh nhân không có đầy đủ cả 3 yếu tố nguy cơ này.

                                                                                                                  Thái Bình (suckhoedoisong.vn)


Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan