Xử trí khi bị viêm đường hô hấp trên

Viêm đường hô hấp trên tuy là một bệnh không gây nguy hiểm tức thì, nhưng đôi khi hậu quả của nó có thể dẫn đến những bệnh nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, viêm não - màng não...

Căn nguyên gây bệnh

Viêm đường hô hấp trên bao gồm viêm họng, hầu, mũi, viêm thanh quản, VA, viêm các xoang...

Viêm đường hô hấp trên do nhiều căn nguyên khác nhau, có thể do dị ứng với thời tiết, với các loại dị nguyên khác nhau (kháng nguyên) có trong không khí, trong bụi hoặc tác động của hóa chất, khói thuốc lá (hút hoặc hít phải khói thuốc lá, thuốc lào do người khác nhả ra) hoặc do vi sinh vật gây bệnh (vi nấm, vi khuẩn, virus) như loại vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae); liên cầu, nhất là liên cầu nhóm A (Streptoccocus pyogenes); Hemophilus influenzae, B. catarrhalis, xoắn khuẩn Vencent... Ngoài vi khuẩn còn có loại vi nấm như Candida albicans cũng hay gặp gây bệnh ở đường hô hấp trên, điển hình nhất là bệnh tưa lưỡi.

Khám cho trẻ bị viêm họng.

Khám cho trẻ bị viêm họng.

Dấu hiệu nhận biết

Viêm đường hô hấp trên được chia thành 2 loại: viêm đường hô hấp trên cấp tính và viêm đường hô hấp trên mạn tính.

Viêm đường hô hấp trên cấp tính: Bệnh thường xảy ra khi có một số yếu tố thuận lợi tác động, như thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh; uống nước quá lạnh hoặc nước đá, kem; nằm, ngồi trước luồng gió lạnh của quạt hoặc điều hòa nhiệt độ... Triệu chứng gặp đầu tiên là sốt (có thể sốt nhẹ, đôi khi sốt cao kèm theo rét run), kèm theo sốt là ho, hắt hơi và chảy nước mũi. Cơn ho có khi chỉ húng hắng, có khi ho liên tục. Bệnh nhân là người lớn hoặc trẻ em lớn còn có triệu chứng bị đau họng khi nuốt, khi ăn. Chảy nước mũi là triệu chứng hay gặp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Viêm đường hô hấp trên mạn tính: Khi bị viêm đường hô hấp trên cấp tính mà không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm thì rất dễ chuyển thành viêm đường hô hấp mạn tính. Triệu chứng của viêm đường hô hấp trên mạn tính là ho húng hắng, rát họng, nuốt thấy hơi vướng như có vật gì nằm trong họng, đặc biệt ở trẻ em là chảy nước mũi thường xuyên (một hoặc cả hai bên mũi). Một số trẻ em bị VA mạn tính kéo dài mà căn nguyên do trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) thì chất nhầy chảy ra ở mũi thường có màu xanh mà người ta hay gọi là “thò lò mũi xanh”. Ngoài thò lò mũi xanh, trẻ ngủ thường ngáy, thở bằng mồm. Ở người lớn, ngoài triệu chứng điển hình là rát họng, nuốt vướng còn có nghẹt mũi (một bên hoặc cả hai) do hiện tượng phì đại cuốn mũi... Trong những trường hợp viêm xoang thường có kèm theo triệu chứng đau đầu...

Làm gì để phòng bệnh?

Cho đến nay, bệnh viêm đường hô hấp trên đã có nhiều phương pháp điều trị. Nhưng vì chủ yếu bệnh là do virus gây ra nên tất cả những phương pháp đó đều là điều trị triệu chứng mà chưa có điều trị căn nguyên.

Một số thuốc thường dùng là: thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm nhằm ngăn chặn sốt quá cao và tai biến co giật do sốt cao. Bên cạnh đó, có thể dùng thuốc kháng histamin nhằm ngăn chặn giải phóng quá nhiều chất trung gian hóa học gây viêm do cơ chế phản ứng đôi khi là quá mức. Còn lại là dựa vào sức đề kháng của người bệnh và chờ cho đến khi cơ thể tự đào thải virus.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh - đây là câu nói rất phù hợp với mọi bệnh, trong đó có bệnh viêm đường hô hấp trên. Điều này có liên quan mật thiết đến vệ sinh môi trường, vệ sinh hoàn cảnh. Đối với cá nhân, nhất là trẻ em và người cao tuổi cần mặc áo ấm, giữ ấm cổ vào những ngày gió lạnh. Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày. Nên tập cho trẻ có thói quen đánh răng trước và sau khi ngủ dậy. Khi ra đường nên đeo khẩu trang để hạn chế hít phải nhiều bụi, trong đó có những loại bụi có mang cả các dị nguyên và vi sinh vật. Tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào. Những gia đình dùng bếp than cần có biện pháp hạn chế đến mức tối đa hít phải khí độc do than khi đốt cháy thải ra. Những gia đình dùng bếp củi, rơm, rạ nên dùng loại bếp ít khói, cần tránh xa, không tiếp xúc với các loại khói càng tốt.

ThS. Bùi Thị Mai (suckhoedoisong.vn)


Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan