Tăng cholesterol máu do... thuốc

Tăng cholesterol máu là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh về tim mạch. Người ta nhắc đến nhiều nguyên nhân như di truyền, chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc thiếu hoạt động thể chất...

Tuy nhiên, nồng độ cholesterol trong máu cao có thể bắt nguồn từ việc sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh nào đó.

Một số loại thuốc phổ biến có thể ảnh hưởng bất lợi lên nồng độ lipid máu. Các thuốc này vô tình làm tăng chỉ số triglycerid và LDL cholesterol “xấu”, đồng thời làm giảm HDL cholesterol “tốt”. Những thuốc dưới đây không phải là toàn bộ nhưng được sử dụng phổ biến trong điều trị, có thể ảnh hưởng đến nồng độ lipid máu.

Các thuốc chẹn kênh beta

Các thuốc chẹn kênh beta (beta-blocker) là những thuốc được kê đơn để điều trị nhiều bệnh lý tim mạch trong các tình trạng: loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, đau thắt ngực, có tác dụng làm hạ huyết áp. Dùng kéo dài các thuốc này có thể làm giảm nồng độ HDL cholesterol và tăng nồng độ triglycerid. Các thuốc chẹn kênh beta thường gây ra ảnh hưởng này là: atenolol, bisoprolol, metoprolol, nadolol, propranolol.

Tuy nhiên, lợi ích trên tim mạch của các thuốc beta-blocker vẫn vượt trội so với nguy cơ làm tăng cholesterol máu. Hầu hết mức tăng lipid máu là tương đối nhỏ. Bất cứ một sự tăng cholesterol đáng kể nào đều có thể được xử lý bằng cách giảm liều hoặc thay thế bằng một beta-blocker khác tương tự.

Thuốc chống viêm prednisone

Prednisone là một glucocorticoid, dùng để giảm viêm. Prednisone có thể làm tăng nhanh và mạnh nồng độ cholesterol. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng nồng độ cholesterol và huyết áp tâm trương có thể tăng nhanh chỉ sau 2 tuần điều trị với prednisone.

Tăng cholesterol máu do... thuốc

Một số thuốc có thể làm tăng mỡ máu.

Thuốc chống loạn nhịp amiodaron

Amiodaron là một thuốc được dùng để điều trị loạn nhịp tim và gây ra nhiều tác dụng không mong muốn (ADR). Một trong những ADR của thuốc là làm tăng cholesterol, mà chủ yếu là LDL cholesterol, hầu như thuốc không có tác động lên chỉ số HDL cholesterol hay triglyceride.

Thuốc chống thải ghép cyclosporin

Cyclosporin là một thuốc được dùng để ức chế miễn dịch. Thuốc được sử dụng sau một phẫu thuật ghép nội tạng (gan, thận, tim...) nhằm tránh hiện tượng đào thải mảnh ghép. Tuy nhiên, thuốc cũng được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp và vẩy nến (hai bệnh liên quan đến hiện tượng tự miễn - đáp ứng miễn dịch quá mức trong cơ thể). Nhiều nghiên cứu đã cho thấy cyclosporin làm tăng mức LDL cholesterol.

Steroid đồng hóa

Steroid đồng hóa là testosteron tổng hợp, một dạng hormon giới tính nam được dùng để điều trị dậy thì muộn ở nam thiếu niên và một số dạng bất lực ở nam giới. Thuốc cũng bị lạm dụng để tăng phát triển khối cơ. Những thuốc này thường gây tăng mạnh chỉ số LDL cholesterol và giảm HDL cholesterol, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ ở mọi lứa tuổi. Một điều khá thú vị là tác động của các steroid đồng hóa lên chỉ số cholesterol là phổ biến ở dạng uống hơn là dạng tiêm. Ngoài tác động làm tăng cholesterol, lạm dụng steroid đồng hóa còn dẫn đến đái tháo đường type 2, tăng huyết áp và béo phì.

Thuốc điều trị HIV

Những chất ức chế protease (ritonavir, indinavir...) được sử dụng để điều trị HIV, có thể làm tăng chỉ số triglyceride và hạ chỉ số HDL cholesterol. Cơ chế gây tăng cholesterol ở những thuốc này hiện chưa được biết rõ. Các thuốc fibrate và statin thường được sử dụng để giảm triglyceride và tăng HDL cholesterol ở những bệnh nhân đang điều trị thuốc ức chế protesase.

Thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu là những thuốc được dùng để điều trị tăng huyết áp hoặc khi cơ thể có hiện tượng giữ nước (phù). Có hai loại thuốc lợi tiểu thường làm tăng chỉ số cholesterol, đó là: Thuốc lợi tiểu thiazide (hydrochlorothiazide, chlorothiazide, metolazone) và thuốc lợi tiểu quai (furosemide, torsemide, bumetanide).

Thuốc lợi tiểu thiazide gây ra sự tăng tạm thời nồng độ cholesterol toàn phần, triglyceride và LDL cholesterol. Nồng độ HDL cholesterol nhìn chung không bị ảnh hưởng. Hiện tại, indapamide là thuốc lợi tiểu thiazide duy nhất không làm ảnh hưởng đến chỉ số cholesterol.

Thuốc lợi tiểu quai tác động lên các chỉ số lipid tương tự như lợi tiểu thiazide, tuy nhiên, một số thuốc đã cho thấy làm giảm nhẹ chỉ số HDL cholesterol.

Vì thuốc lợi tiểu là loại thuốc có vai trò quan trọng trong điều trị tăng huyết áp, nên bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân thay đổi chế độ ăn, tăng cường vận động và các can thiệp lối sống khác thay vì ngừng thuốc lợi tiểu.

Nếu bạn đang có chỉ số lipid cao và đang trong liệu trình điều trị với những thuốc có khả năng làm tăng nồng độ cholesterol cao hơn, bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn xét nghiệm chỉ số lipid máu định kỳ để kiểm soát chỉ số lipid máu. Ở một số trường hợp, chỉ số lipid máu chỉ tăng tạm thời. Tuy nhiên, nếu chỉ số này vẫn cao, bác sĩ sẽ kê thêm một thuốc hạ cholesterol máu. Ngoài ra, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng thuốc hiện tại, đổi một loại thuốc có tác dụng điều trị tương tự, hướng dẫn điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và kết hợp tập luyện để cải thiện nồng độ cholesterol.

DS. Nguyễn Thị Ngân Thảo (suckhoedoisong.vn)


Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan