Người Việt “rước” bệnh tăng huyết áp vì ăn muối 9,4 g/ngày, gấp đôi khuyến cáo

Ăn nhiều muối là nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch. Tại Việt Nam cứ 5 người trưởng thành có một người bị tăng huyết áp, cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tử vong do tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày. Tuy nhiên, theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong những năm gần đây, mức tiêu thụ muối của mỗi người trưởng thành tại Việt Nam khoảng 9,4g muối/ ngày, gấp 2 lần so với ngưỡng khuyến cáo. Ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch.

Ăn nhiều muối là nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch. Số liệu cho thấy hiện nay tại Việt Nam cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tử vong do tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.

Khác với các quốc gia phát triển, muối ăn vào hằng ngày chủ yếu là từ thực phẩm chế biến sẵn hoặc do ăn ở nhà hàng (chiếm 77%); ở Việt Nam hầu hết lượng muối ăn vào hằng ngày là từ muối, gia vị thêm vào trong khi chế biến, nấu ăn hoặc do chấm/trộn mắm, muối, gia vị trên bàn ăn.

Đây là thời điểm hoàn toàn thích hợp để nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hành giảm tiêu thụ muối trong khẩu phần ăn hàng ngày, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam liên tiếp ghi nhận các ca tử vong mới do mắc COVID-19 trên nền bệnh lý nặng như tăng huyết áp, suy tim, suy thận, tai biến mạch máu não…

 
Để giảm ăn muối:

(1) hãy giảm dần lượng muối và gia vị cho vào khi chế biến thức ăn

(2) hạn chế sử dụng và hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn ăn trong khi ăn

(3) hạn chế lựa chọn, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp có nhiều muối và tăng cường ăn thực phẩm tự nhiên

Hôm qua, ngày 19/8, Cục Y tế Dự phòng đã phối hợp với Văn phòng WHO tại Việt Nam, với sự hỗ trợ kĩ thuật từ Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies, đã chính thức phát 01 TV Spot ngắn mang thông điệp “Cho bớt muối, chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn” trên các kênh truyền hình trung ương và các đài địa phương, cũng như các trang mạng xã hội chính thức của chương trình kể từ ngày 19/8/ 2020.

Khởi nguồn từ sáng kiến “Resolve to Save Lives” – một chương trình vận động giảm muối trong khẩu phần ăn ở một số quốc gia đang phát triển, TV Spot cũng là hoạt động mở đầu cho chương trình truyền thông giảm tiêu thụ muối trong giai đoạn 2018-2025 do Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện, với mục tiêu bước đầu nâng cao nhận thức của người dân về những nguy cơ tiềm tàng của việc tiêu thụ quá nhiều muối đối với sức khỏe, từ đó triển khai các hoạt động truyền thông tại 63 tỉnh thành trên khắp cả nước, trong đó bao gồm hoạt động truyền thông cộng đồng của Hội Liên hiệp Phụ nữ nhằm hướng dẫn cho phụ nữ các kiến thức và kĩ năng giảm muối trong chế biến, nấu ăn tại gia đình, dự kiến sẽ diễn ra đến cuối năm 2020.

Cũng trong thời gian này, bên cạnh TV Spot phát sóng trên các kênh truyền hình quốc gia và đài truyền hình các tỉnh thành phố, các thông điệp kêu gọi giảm muối cũng được truyền tải trên đài phát thanh quốc gia để lan tỏa đến đông đảo thính giả cả nước. Ngoài ra, mọi thông tin về giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày cũng sẽ được thường xuyên cập nhật trên trang Facebook “Giảm muối vì Sức khỏe” – trang thông tin chính thức hưởng ứng Chương trình “Truyền thông giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh tật khác” do Bộ Y tế và WHO phát động.

Để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn hằng ngày góp phần phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ, các bệnh tim mạch và bệnh không lây nhiễm khác, trước đó Cục Y tế dự phòng đã có Công văn số 686/DP-KLN gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị Sở Y tế quan tâm chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông giảm tiêu thụ muối trong năm 2020 tại địa phương, tập trung vào một số nội dung như:

Triển khai các hoạt động truyền thông về giảm tiêu thụ muối trên đài truyền hình, đài phát thanh và báo của địa phương; truyền thông, cung cấp thông tin trên trang web của đơn vị và trên các trang mạng xã hội có liên quan

Lồng ghép truyền thông giảm tiêu thụ muối trong các hội nghị, hội thảo cộng đồng phù hợp để phổ biến, cung cấp thông tin đến các ban, ngành, đoàn thể và người dân.

Tổ chức cấp phát tờ rơi truyền thông giảm tiêu thụ muối cho người dân, phát thông điệp truyền thông về giảm tiêu thụ muối trên loa truyền thanh của xã.

Tuyên tuyền, tư vấn, hướng dẫn về giảm tiêu thụ muối cho người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, người dân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và cho người dân ở cộng đồng

Tổ chức truyền thông, vận động, hướng dẫn thực hiện bữa ăn giảm muối tại các căng tin trường học, bếp ăn tập thể của các cơ quan, doanh nghiệp

                                                                                                                   Thái Bình (suckhoedoisong.vn)

 

Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan