Lời khuyên hữu ích phòng tránh viêm gan B từ bác sĩ

ThS.BS. Đới Ngọc Anh – Khoa Viêm Gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo thực tế nhiều bệnh nhân bị viêm gan B không có biểu hiện đặc biệt, vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường, chỉ khi vào viện khám mới phát hiện mắc viêm gan B.

Theo BS. Anh, viêm gan B diễn biến rất thầm lặng như một “tảng băng chìm”. Không ít bệnh nhân không hề biết mình mắc bệnh nhưng khi vào viện khám đã tăng men gan nhiều lần dẫn đến tình trạng xơ hoá gan, thậm chí là ung thư gan.

Bệnh viêm gan B lây qua đường máu, ngoài con đường lây nhiễm từ mẹ sang con, tiêm chích ma túy (do dùng chung bơm kim tiêm) còn có thể lấy qua quan hệ tình dục không an toàn.

Trong quá trình công tác, bác sĩ đã từng gặp trường hợp thai phụ vào viện trong tình trạng sức đề kháng kém, vàng da, suy gan, men gan tăng, sau khi kiểm tra máu phát hiện bị viêmgan B cấp. Qua khai thác thì chồng của những thai phụ này đều nhiễm viêm gan B, vì nghĩ vợ mình mang bầu không cần các biện phòng tránh thai nữa nên vô tình lây virus viêm gan B từ người chồng sang vợ trong quá trình mang thai.

Trong khi đó điều này hoàn toàn có thể phòng tránh nếu bản thân bệnh nhân được tư vấn kỹ càng về đường lây cũng như cách thức theo dõi và điều trị bệnh.

BS. Anh cho hay nhiều trường hợp mới mắc viêm gan B (viêm gan B cấp) có khả năng tự khỏi từ 75-90%, cơ thể tự đào thải virus. Nếu sau 6 tháng điều trị kể từ khi phát hiện mắc bệnh, cơ thể không thải được virus thì người bệnh đã bước vào giai đoạn viêm gan B mạn, cần được theo dõi và điều trị khi có chỉ định.

Do đó, BS. Anh khuyến cáo, người bệnh viêm gan B nên sống lạc quan, duy trì cuộc sống sinh hoạt bình thường, không nên lo lắng thái quá và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, không nên tin tưởng vào lời truyền miệng mua thuốc nam không rõ nguồn gốc để uống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại tới sức khoẻ.

Do virus viêm gan B có khả năng tích hợp vào gen tế bào gan nên những trường hợp người bệnh viêm gan B cấp đã khỏi cũng có thể tái phát nếu có các yếu tố nguy cơ như dùng corticoid kéo dài, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc hóa chất trong điều trị ung thư... Mặt khác do tính chất này nên các trường hợp viêm gan B mạn có chỉ định can thiệp thuốc kháng virus cũng không loại bỏ được hoàn toàn virus ra khỏi tế bào gan, thuốc kháng virus giúp ức chế sự phát triển nhân lên của virus, hạn chế xơ hóa cũng như ung thư gan.

Để phòng tránh mắc viêm gan virus, người dân cần tiêm vắc xin đầy đủ, chú ý tiêm cho trẻ trong vòng 24h đầu kể từ khi chào đời.

Với mẹ bầu nhiễm viêm gan B, em bé sẽ được tiêm 1 liều vắc-xin viêm gan B kết hợp 1 liều huyết thanh (HBIG) trong vòng 12 giờ sau sinh. Việc này giúp trẻ có khả năng được bảo vệ chống lại nhiễm virus viêm gan B hơn 90% trong suốt cuộc đời.

Những người đã mắc viêm gan virus cần khám bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa, chủ động quản lý điều trị, tránh trường hợp bệnh diễn tiến nặng. Lưu ý, tuyệt đối không được bỏ thuốc vì có thể khiến viêm gan tiến triển xơ gan hóa và ung thư hóa.

Cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C,…. Ngoài ra tiêm đầy đủ vắc xin phòng viêm gan B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Bên cạnh đó hạn chế hoặc bỏ bia, rượu, thuốc lá, đặc biệt đối với những bệnh nhân có xơ gan, viêm gan virus.

Lê Nguyên (suckhoedoisong.vn)


Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan